KỸ THUẬT CHĂN NUÔI NHÍM SINH SẢN
-Nhím rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, yêu cầu về chăm sóc nuôi dưỡng rất đơn giản. Hiện nay ở Việt Nam, thịt nhím rất hiếm vì nhím trong thiên nhiên bị săn bắt khá nhiều. Trong tự nhiên, nhím thường sống ở vùng đồi núi, những nơi có nhiều cây cối, rừng rậm.
Chúng phân bố ở khá nhiều vùng, các nghiên cứu trước đây cho thấy nhím có ở các tỉnh miền Bắc, đến nay đã phát hiện sự xuất hiện của chúng ở nhiều vùng miền Nam như Khánh Hoà, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Phước..., chứng tỏ nhím thích nghi được với khí hậu và thổ nhưỡng của nhiều vùng trên đất nước ta.
Đặc tính
Nhím thuộc bộ gặm nhấm, là loại động vật hoang dã, sống trong rừng, thành từng đàn 3-4 con, tự đào hang để ở. Thường ngủ ngày, ăn đêm. Trong đàn chỉ có một con đực trưởng thành. Nhím đực rất ga-lăng và hào hiệp như tấn công đối phương để bảo vệ đàn, không cho bất cứ nhím đực nào xâm phạm lãnh thổ và đàn cái do nó kiểm soát. Nhím đực mỏ dài, đầu nhọn, thân hình thon dài, đuôi dài hơn con cái, dưới háng có hai dịch hoàn và nhô ra phía trước bụng, cách lỗ hậu môn khoảng 4-5cm. Nhím đực tính tình hung dữ hơn, hay sừng lông, đạp chân phành phạch, vừa cắn vừa đánh lông tấn công đối phương.
Nhím cái mỏ ngắn, đầu hơi tròn, thân hình quả trám, đuôi ngắn và mập hơn con đực, dưới bụng lộ rõ 6 vú ở hai bên, dưới háng có lỗ sinh dục cái, cách lỗ hậu môn khoảng 3cm. Nhím cái tính tình hiền lành hơn, chỉ hung dữ lúc đẻ.
Sinh sản
Một con nhím có khối lượng trung bình l5-25kg, tuổi thọ trung bình của chúng là 15-20 năm. Tuổi thành thục về giới là 1 năm tuổi, nặng 10kg là có thể cho sinh sản. Chúng thường sống đơn lẻ, chỉ tới mùa sinh sản con đực mới đi tìm bạn tình. Cứ một đực ghép hai cái nhưng phải chú ý nhím không giao phối đồng huyết
Nhím cái động đực 1-2 ngày và cho nhím đực phối giống suốt ngày lẫn đêm. Thời gian có thai 3 tháng (90-95 ngày) thì đẻ, nhím thường đẻ vào ban đêm, một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa đẻ 1-4 con, thường là 2 con, trọng lượng sơ sinh bình quân 100-200 gr/con.Đặc biệt có con 500-600gr. Nhím con mới đẻ ra kêu lít chít như chuột. Nhím mẹ không chỉ cho con mình đẻ ra bú mà còn cho cả những con không phải mình đẻ ra bú bình thường. Nhím mẹ sau khi đẻ 3 ngày là chịu đực và cho phối giống cho chu kỳ sinh sản tiếp theo.(Nhưng không nên cho phối giống ngay vì sẽ ảnh hưởng đến nuôi con)
Nhím tuổi trưởng thành
Nhím con mới đẻ, chúng mũm mĩm, nhưng chỉ vài giờ sau, da chúng đã co lại, để lộ rõ những lông đen bám trên mình, trong vòng 1-2 tuần đầu, lông còn mềm và rất hiền, ta có thề bắt lên xem để phân biệt đực cái, đánh dấu theo dõi về sau. Qua thời gian, những lông trắng này dần đạt đến độ dài 20-25cm, hóa sừng và trở thành bộ giáp đặc trưng của loài gặm nhấm này.
Nhím con cứng cáp rất nhanh, nhím con theo mẹ tăng trọng nhanh, bình quân 1 kg/con/tháng, sau 1 tháng thì nhím con biết ăn, sau 2 tháng thì cai sữa, nhím con sau cai sữa, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt có thể đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con, Còn bình thường là 1,2 đến 1,5 kg/con. Cai sữa 3-5 ngày thì thả đực. không nuôi nhím con quá lâu cùng nhím bố mẹ. Nếu nuôi chung cùng bố mẹ nhím đực sắp trưởng thành (5-6 tháng) thì phải tách đàn nuôi riêng, nếu không nhím bố sẽ tấn công cho đến chết mới thôi (đó là quy luật tự nhiên để bảo tồn nòi giống). Tỷ lệ đực cái thích hợp là 1đực 2 cái là tốt nhất
Nhím con, nuôi sau 1 năm khối lượng đạt 10kg, sau hai năm đạt 15-16kg và sang năm thứ 3 con đực đạt 17-20 kg, con cái 17-19 kg.
Thức ăn
Nhím là loài ăn tạp, vì thế, thức ăn cho nhím rất đa dạng như: Côn trùng,giun, ốc, cá, rễ , lá, mầm cây, rau, củ, quả , kể cả những loại chát, đắng...
Bình thường nhím ăn 2kg thức ăn/con/ngày. Nhưng khi nhím đẻ cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường... để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Thức ăn cho nhím cần bổ sung thêm mầm, rễ cây các loại, nhím đực sẽ phối giống hăng hơn. (Tuyệt đối không cho nhím ăn quá béo, nếu quá béo nhím không sinh sản được, cũng không cho ăn quá ít làm cho nhím gầy không đủ sức sinh sản ).
Khẩu phần thức ăn cơ bản hằng ngày theo từng giai đoạn.
(Đvt: kg/con/ngày)
LOẠI THỨC ĂN
- GIAI ĐOẠN (tháng tuổi).
2-4 Tháng tuổi: Rau, củ, quả các loại, rau xanh 0,5kg, đậu tương 0,02 kg, 0,1kg ngô khô, 0,3 kg bí đỏ, 0,3 kg sắn tươi (riêng nhím loại này cho ăn thành 2 bữa là tốt nhất).
4-6 Tháng tuổi: Rau, củ, quả các loại, rau xanh 0,5 kg, đậu tương 0,02 kg, 0,1kg ngô khô, 0,3 kg bí đỏ, 0,3 kg sắn tươi ( Nếu không có sắn thì thêm ngô ).
7-9 Tháng tuổi: Rau, củ, quả các loại, rau xanh 0,5kg, đậu tương 0,02kg, 0,15kg ngô khô, 0,3kg bí đỏ, 0,3kg sắn tươi.
10-12 Tháng tuổi: Rau, củ, quả các loại, rau xanh 0,5kg, đậu tương 0,02kg, 0,15kg ngô khô, 0,3kg bí đỏ, 0,3kg sắn tươi.
Nước uống: Nhím ăn rau, củ, quả nên ít uống nước, nhưng cũng phải có đủ nước sạch cho nhím uống tự do. Trung bình 1 lít/5con/ngày. Nhím thường uống nước vào buổi sáng và buổi trưa. Nhím thích tắm khi trời nóng, nhưng tốt nhất là tắm vào 9 gìơ sáng (Tuyệt đối không tắm vào lúc 2-3 giờ chiều vì trời nắng gắt nhím rễ bị cảm).
Phòng bệnh
Nhím có khả năng đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, nhưng cũng có mắc một số bệnh thông thường:
- Bệnh ký sinh trùng ngoài da do ve, mò cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc bôi hoặc nhím tự liếm cũng khỏi. Để phòng bệnh ký sinh trùng ngoài da, ta nên vệ sinh sát trùng chuồng và xung quanh chuồng mỗi tháng 1-2 lần.
- Bệnh đường ruột: Do khẩu phần thức ăn ta cung cấp không đầy đủ như ngoài thiên nhiên nên nhím có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ rau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, ta nên cân đối khẩu phần thức ăn đầy đủ cho nhím, không nên cho nhím ăn các loại thức ăn ẩm mốc, hôi thối, bẩn thỉu...
Vui lòng đợi ...